Trùng tu chánh điện chùa Từ Hiếu ( TT- Huế): Sở Xây dựng cho “làm mới”?
VHO- Mặc dù chưa được xếp hạng nhưng di tích chùa Từ Hiếu, một trong những công trình, địa danh đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào danh sách cần bảo vệ. Việc nhà chùa thực hiện trùng tu chánh điện của ngôi cổ tự này đã nhận được sự quan tâm của dư luận tại địa phương.
Chánh điện chùa Từ Hiếu khi đang hạ giải
Việc trùng tu chánh điện chùa Từ Hiếu bắt đầu thực hiện từ tháng 3.2019, và đến nay đã triệt giải toàn bộ công trình và dựng gần xong hệ thống khung gỗ mới.
Không làm thì… sợ sập
Thượng tọa Thích Từ Đạo, giám tự chùa Từ Hiếu cho biết, chánh điện của chùa đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Trong đó, các kết cấu bằng gỗ đã bị mối mọt phá mục, hư hại. Nếu không thực hiện việc triệt giải, xây dựng lại thì dễ sập và nguy hiểm.
Chùa Từ Hiếu được xây dựng từ năm 1843 với cái tên gọi nguyên sơ là Am An Dưỡng do Hòa thượng Tánh Thiên- Nhất Định lập nên. Đến năm 1848 thì Hòa thượng Hải Thiệu- Cương Kỷ hoàn thành việc xây dựng. Từ đó, ngôi chùa này đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1885, 1894 và gần đây nhất vào năm 1962 đến năm 1968 là trùng tu toàn bộ. Trải qua nhiều biến động của thời gian và ảnh hưởng của thiên tai, chánh điện của chùa Từ Hiếu đã xuống cấp: phần bê-tông bị hư hại, thấm dột, ngói gạch rơi rớt nhiều lần, các cấu kiện gỗ bị mối mọt đục khoét hư hại nặng…
Cuối năm 2017, nhà chùa đã có cuộc họp thống nhất trùng tu chánh điện để có nơi tôn trí các tôn tượng được an toàn, trang nghiêm; chư tăng có chỗ hành trì mỗi ngày và thập phương đạo hữu có nơi cầu nguyện mỗi khi đến chùa. Theo đại diện nhà chùa, do công trình xuống cấp nghiêm trọng nên khi trùng tu sẽ thực hiện triệt hạ toàn bộ nhà cũ (gồm: toàn bộ hệ mái, khung nhà và hệ nền móng cũ) và chỉ giữ lại các chi tiết hoa văn trang trí cùng với việc phục dựng các chi tiết đã bị hư hỏng. Tuy nhiên việc xây dựng có quy mô, hình thức và diện tích vẫn như các thông số cũ của công trình, với diện tích sàn 310m2 và cao 9,9 mét.
Trong khi nhà chùa cho rằng hệ thống cấu kiện gỗ của chánh điện đã bị hư hại nặng và phải thay mới bằng gỗ lim thì một số nhà chuyên môn lại cho rằng vẫn có thể lựa chọn để tái sử dụng và giữ được yếu tố xưa cũ, ít nhất là nửa thế kỷ kể từ lần trùng tu gần nhất (1962-1968).
Toàn bộ hệ khung gỗ của chánh điện chùa Từ Hiếu đã được thay mới
Thẩm định hồ sơ có đúng quy trình?
Sau khi nhà chùa có kế hoạch trùng tu chánh điện, đơn vị được mời thiết kế bản vẽ thi công công trình là liên danh Công ty CP Kiến trúc và hạ tầng Konsept và Công ty CP Tư vấn thiết kế Tổng hợp. Theo Sở Xây dựng, tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công cho công trình nói trên là phù hợp và đúng quy định. Ngày 30.1, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi Sở VHTT để lấy ý kiến góp ý cho bản vẽ thi công. Qua đó, Sở VHTT đã có văn bản trả lời vào ngày 14.2 và yêu cầu chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh một số hồ sơ, nội dung trong đó có lưu ý việc xây dựng công trình chánh điện chùa Từ Hiếu cần giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, đặc biệt có các giải pháp gìn giữ các họa tiết trang trí đề tài trên chánh điện.
Tiếp đó, sau khi chủ đầu tư là chùa Từ Hiếu bổ sung các nội dung liên quan, ngày 22.2, Sở VHTT đã có văn bản thỏa thuận hồ sơ thiết kế thi công công trình chánh điện chùa Từ Hiếu gửi Sở Xây dựng. Trong đó khẳng định chủ đầu tư đã bổ sung đầy đủ các nội dung phù hợp với quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đơn vị tư vấn lập hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công đảm bảo năng lực đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích.
Ngay sau đó, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công công trình chánh điện chùa Từ Hiếu. Trong đó, yêu cầu trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư chỉ đạo thực hiện giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình và đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận. Tại bản hồ sơ thiết kế của công trình được Sở Xây dựng thẩm định cũng thể hiện rõ việc “làm mới”, gồm: làm mới hệ khung nhà bằng bê-tông, làm mới hệ khung cột, kèo, xuyên, trến, vách ngăn bằng gỗ tự nhiên nhóm II; thay mới toàn bộ mái ngói nhưng giữ nguyên quy cách lợp ngói liệt 4-5 lớp.
Trao đổi với Văn Hóa, đại diện lãnh đạo Sở VHTT khẳng định việc thẩm định hồ sơ cho công trình là đúng quy trình và các quy định hiện hành. Quá trình thi công xây dựng, nếu có những yếu tố khác so với nội dung hồ sơ bản vẽ đã được thẩm định thì phía chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.
SƠN THÙY